[tintuc]

Kim ngạch xuất khẩu nhiều ngành hàng nông sản vượt ngưỡng tỷ đô

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu trong quý IV/2020 xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, hướng tới hoàn thành mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 40 tỷ USD trở lên.

M:\4.12.jpg

Nhiều ngành hàng nông sản xuất khẩu vượt ngưỡng tỷ đô

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 11/2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt gần 3,72 tỷ USD. Cà phê, gạo, hạt điều, rau quả, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ... là những mặt hàng nông sản của Việt Nam đạt giá trị kim ngạch trên 2 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản và lâm sản chính tương đương tháng 10, nông sản đạt khoảng 1,6 tỷ USD, lâm sản chính trên 1,2 tỷ USD; thủy sản đạt 800 triệu USD (giảm 12,9%) và chăn nuôi đạt 33 triệu USD (giảm 11,5%).

Tính chung 11 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 37,42 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt gần 16,76 tỷ USD, giảm 0,5%; chăn nuôi đạt 297 triệu USD, giảm 18,5%; thủy sản đạt khoảng 7,75 tỷ USD, giảm 0,9%; lâm sản chính đạt trên 11,65 tỷ USD, tăng 15,0%.

Về thị trường xuất khẩu, tính chung 11 tháng, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 9,8 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 26,2% thị phần. Tiếp đến là Trung Quốc đạt gần 9,2 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ và chiếm 24,6% thị phần; thị trường EU ước đạt 3,44 tỷ USD, giảm 0,3% và chiếm 9,2% thị phần. Xuất khẩu sang các nước ASEAN đạt khoảng 3,43 tỷ USD, tăng 2,8% và chiếm 9,18% thị phần; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 3,1 tỷ USD, giảm 1,5% và chiếm gần 8,3% thị phần.

Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19, một số mặt hàng vẫn đạt giá trị xuất khẩu cao hơn có với cùng kỳ, như gạo, rau, sắn, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre. Cụ thể, giá trị xuất khẩu gạo đạt trên 2,8 tỷ USD (tăng 10,4%); rau đạt 621 triệu USD (tăng 7,7%); sắn và sản phẩm sắn đạt 874 triệu USD (tăng 2,3%), xuất khẩu tôm thu về gần 3,4 tỷ USD (tăng 9,7%); quế đạt 222 triệu USD (tăng 37,2%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 10,9 tỷ USD (tăng 14,1%); mây, tre, cói thảm đạt 545 triệu USD (tăng 26,1%). Theo thống kê hiện có 8 nhóm, mặt hàng nông sản xuất khẩu trên 1 tỷ USD; trong đó có 7 nhóm, mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê, gạo, hạt điều, rau quả, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ).

Khối lượng gạo xuất khẩu 11 tháng năm 2020 đạt 5,74 triệu tấn và 2,85 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Việt Nam đang thay thế dần các loại gạo phẩm cấp thấp sang phẩm cấp cao để có thể thâm nhập vào thị trường cao cấp, khó tính như Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc… Nguyên nhân “bứt phá” ngoạn mục của giá trị gạo Việt là do: (i) Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Chính phủ, trong đó tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo được triển khai mạnh mẽ đã làm thay đổi quy trình canh tác lúa theo hướng nâng cao chất lượng thay vì tăng sản lượng; (ii) Những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại với nhiều quốc gia mang tầm chiến lược như CPTPP, EVFTA gần đây là RCEP và với nước Anh đã tạo điều kiện cho gạo Việt Nam bứt phá; (iii) Năm 2020, tình hình dịch Covid-19 làm suy giảm nhiều ngành nghề, nhưng nhu cầu về lương thực không giảm mà còn tăng. 11 tháng năm 2020, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là: Indonesia (tăng gấp 3,1 lần, đạt 83,8 nghìn tấn và 45,6 triệu USD) và Trung Quốc (tăng 79,2%, đạt 657,6 nghìn tấn và 379,6 triệu USD).

Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 11 năm 2020 ước đạt 286 nghìn tấn với giá trị đạt 109 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 11 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 2,44 triệu tấn và 874 triệu USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 2,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân 10 tháng đầu năm 2020 ước đạt 353,8 USD/tấn, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực trong 10 tháng đầu năm 2020 khi chiếm 90,8% trong thị phần xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam. Nhờ việc Trung Quốc đẩy mạnh thu mua sắn lát trong năm 2020 nhằm phục vụ cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và ngành công nghiệp ethanol mà xuất khẩu sắn lát của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2020 đã gần chạm mốc 1 tỷ USD, tăng 104% về giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo từ nay đến cuối năm thị trường sắn sẽ vẫn sôi động do nhu cầu của Trung Quốc tăng cao.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 11 năm 2020 ước đạt 1,1 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 11 tháng năm 2020 đạt 10,88 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là ba thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng năm 2020 (chiếm 77,8% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ), trong đó Hoa Kỳ (tăng 1,36 tỷ USD), Trung Quốc (tăng 32,3 triệu USD). Đặc biệt một số thị trường nhiều tiềm năng như Canada (tăng 24,9 triệu USD), Thái Lan (tăng 6,6 triệu USD).

M:\4.12-.jpg

Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, 11 tháng năm 2020 ngành gỗ Việt Nam vẫn có những bước tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt là giữ vững được các thị trường truyền thống Trung Quốc, Hàn Quốc và EU. Ngoài ra, trong 11 tháng năm 2020, Việt Nam đã thúc đẩy phát triển một số thị trường tiềm năng như: Canada, Thái Lan.

Đánh giá về nhu cầu thị trường tháng cuối năm 2020, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, các thị trường Hoa Kỳ, EU có những tín hiệu khả quan cho ngành gỗ của Việt Nam như: nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh trở lại trong quý III, tiêu dùng tăng 41%, đầu tư tăng 20%, nhu cầu đồ gỗ gia dụng tiếp tục cao. Cùng với đó GDP của các nước trong khối EU theo dự báo tăng trưởng trở lại, bên cạnh đó lực mua cũng tăng do tỷ giá đồng euro trên thị trường quốc tế tăng. Ngoài ra, cuối năm là dịp lễ hội nên dự báo nhu cầu của người tiêu dùng sẽ có xu hướng tăng.

Đáng chú ý, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng Cảng quốc tế đường bộ Quảng Châu, đây là cảng đón các chuyến tàu chở gỗ nguyên liệu từ châu Phi về, kênh vận chuyển mới này được kỳ vọng sẽ làm giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm gỗ của Trung Quốc, điều này phần nào sẽ ảnh hưởng đến ngành gỗ của Việt Nam khi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính trên thị trường quốc tế về đồ gỗ nội, ngoại thất.

Xuất khẩu nông sản chạy “nước rút” cán mốc 40 tỷ USD

Bộ NN&PTNT cho biết, trong quý cuối cùng của năm 2020, toàn ngành phấn đấu mục tiêu xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, đưa tổng trị giá xuất khẩu cả năm nay đạt hơn 40 tỷ USD. Trong tháng còn lại của năm, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường lương thực, thực phẩm, tình hình xuất - nhập khẩu; tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về thị trường, ổn định nguồn cung nông lâm thủy sản phục vụ dịp lễ, tết cuối năm; tổ chức diễn đàn thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu (thịt gà, thịt bò chất lượng cao, sản phẩm chứng nhận Halal); triển khai các giải pháp nhằm cân bằng thương mại nông, lâm thủy sản, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thương mại; phổ biến quy định thị trường, chính sách trong thúc đẩy thương mại nông sản trước diễn biến mới của dịch bệnh trên thế giới, tập trung vào các thị trường trọng điểm (Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc...).

M:\4-12--.jpg

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương nắm bắt tình hình sản xuất, khó khăn vướng mắc trong tiêu thụ nông sản; kịp thời thông tin, cảnh báo các quy định mới của thị trường xuất khẩu. Tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở rộng thị trường (mở rộng công nhận vùng sản xuất, loại sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu) sang các nước: Trung Quốc, EU, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hoa Kỳ, Brazil… và xuất khẩu thủy sản sang thị trường Ả rập Xê út; xây dựng chương trình đoàn công tác của Bộ tại Trung Quốc, Brazil, Nga, Nhật Bản, Australia sau khi kết thúc dịch Covid-19…

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu nông sản trước diễn biến mới của dịch Covid-19 trên thế giới, tập trung vào các thị trường trọng điểm. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cảnh báo các quy định mới của thị trường, kịp thời cung cấp thông tin cho địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là thị trường Trung Quốc; truyền thông mạnh mẽ các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại nổi bật của ngành, các sự kiện về xuất khẩu nông sản sang thị trường EU theo EVFTA.

  Nguyên Hương

Nguồn:

https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM187728

[/tintuc]

Nhận xét

0 comments:

Đăng nhận xét